Khởi sự thất bại Đạo Tưởng

Đêm mùng 8 rạng ngày 9 Tháng Giêng âm lịch năm Kỷ Mão (26 tháng 2 năm 1939), bất ngờ ông Quốc không giảng giáo lý, không luyện võ nữa mà chuyển giọng nói với các tín đồ đang tụ hội đông đảo về cái nhục mất nước, cái họa ngoại xâm, rồi kêu mọi người hãy cầm vũ khí, đánh đuổi thực dân Pháp.

Trong khí thế sôi sục, Đạo Tưởng sai người bắt hương tuần Trương Văn Hiếm, hài tội phản bội, tội làm tay sai, mật thám cho thực dân rồi cho chặt đầu Hiếm, để lấy máu tế cờ. Vợ Hiếm đến khóc, sỉ vả những người hãm hại chồng mình cũng bị giết chết.

Gần sáng, nhận được tin báo, quận trưởng cùng Cò[5] Tây tên là Laffont, thơ ký Phan Văn Thông cùng với hai tiểu đội lính mang súng trường, tiến nhanh đến am Đạo Tưởng. Còn cách nhau chừng 50 m, chủ quận Đề kêu gọi Đạo Tưởng cùng với tín đồ phải buông khí giới và ai về nhà nấy. Đạo Tưởng khi ấy oai vệ trong sắc phục vàng, áo tay rộng, đầu bịt cân, lưng thắt dây đen, chân mang giày vàng, cổ đeo lòng thòng xâu chuỗi bồ đề... giống hệt như một viên tướng trong tuồng hát bội. Còn chung quanh sân võ, hàng trăm nam nữ cũng "đầu trọc áo vàng", tay vung gươm giáo, miệng hò hét inh ỏi...

Bỏ ngoài tai lời kêu gọi, Đạo Tưởng vẫn khẳng khái tuyên bố đánh đuổi ngoại xâm. Điều đình không xong, chủ quận ra lệnh bắn chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng đạn lép, không nổ. Điều đó khiến tín đồ, người hâm mộ càng tin Đạo Tưởng là đấng "Minh hoàng", bởi súng đạn đã trở nên vô dụng trước bùa phép của Đạo Tưởng.Trước đám đông đang cuồng nhiệt ấy, cò Laffont lo ngại, liền móc súng ra bắn và lần này thì Đạo Tưởng ngã gục. Tới chừng đó, tín đồ mới hoảng chạy...

Đạo Tưởng chết,[6] Pháp truy lùng bắt thêm khoảng 30 người nữa, cho áp giải về tỉnh, rồi tất cả cùng nhận án tù đày ra Côn Đảo, trong số đó có "nguyên soái" Năm, "quân sư" Nguyễn Văn Hương, hai "ngự đệ" là Lâm Văn Út và Lâm Văn Bửu, cùng hai đứa con trai ông Tưởng là Lâm Quốc Huỳnh, Lâm Quốc Đạt mới hơn mười tuổi...